Chăm sóc đúng cách 0-1 tuổi Baby 1-3 tuổi Toddler 3-5 tuổi Preschooler

Hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt ở trẻ nhỏ

Thuốc hạ sốt là một trong những loại thuốc không kê đơn mà mỗi gia đình luôn chuẩn bị sẵn trong tủ thuốc tại nhà. Dù phổ biến như vậy nhưng chưa chắc các bậc cha mẹ đã hiểu đúng và đủ về loại thuốc này. Thậm chí đã có những trường hợp nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc hạ sốt không đúng cách gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vậy dùng thuốc hạ sốt sao cho an toàn, hãy cùng mình tìm hiểu nhé!

Vì sao trẻ lại sốt?

Sốt là một phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh như virus, vi trùng hay ký sinh trùng. Sốt cao hay sốt thấp không nói lên bệnh nghiêm trọng hay không. Biểu hiện hành vi của trẻ mới nói lên bệnh nặng hay nhẹ. 

Nếu trẻ vẫn tươi tỉnh, sinh hoạt bình thường, có thể kém ăn một chút thì cha mẹ có thể yên tâm theo dõi tại nhà vài ngày mà không cần đưa trẻ đi viện ngay. Tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện lừ đừ, quấy khóc, không uống nước được thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Sốt là một tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Sốt không xấu, điều quan trọng nhất khi trẻ sốt là chăm sóc trẻ và theo dõi sát sao biểu hiện của con.

Những điều cha mẹ cần làm khi trẻ sốt

Khi theo dõi trẻ ở nhà, cha mẹ cần chăm sóc và cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng cách, tránh tâm lý lạm dụng thuốc khi chưa cần thiết. Nếu trẻ sốt khoảng 38 – 38,5*C, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp hạ sốt thông thường sau đây:

  • Khuyến khích trẻ nhiều nước. Tùy vào sở thích của trẻ, cha mẹ có thể cho con uống nước ấm, nước lạnh, sinh tố trái cây, ăn kem cũng là một cách để bổ sung nước. 
  • Nên mặc cho trẻ quần áo rộng, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Không nên đắp chăn, ủ ấm cho trẻ vì việc này sẽ làm trẻ sốt cao hơn.
  • Chườm ấm bằng cách sử dụng 5 khăn ấm khoảng 40*C đặt trên trán, 2 bên nách và 2 bên bẹn của trẻ. Khi khăn nguội, hãy nhúng khăn vào chậu nước ấm, sau đó vắt khô đặt trở lại 5 vị trí kể trên. 
  • Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng của trẻ khoảng 20 – 25*C hoặc bật quạt hay mở cửa cho không khí lưu thông thoáng mát để trẻ cảm thấy dễ chịu.

Cách hạ sốt thông thường

Khi nào cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt?

Hiện nay, tại Việt Nam, các bác sĩ vẫn khuyến cáo chung là cho trẻ uống hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5*C trở lên, còn theo Viện Nhi khoa Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) là 38,3*C. Tuy nhiên, con số này không phải là cố định bởi việc dùng thuốc hạ sốt không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ đo được mà còn phụ thuộc nhiều vào các triệu chứng kèm theo.

Nếu trẻ đang sốt mà có kèm theo rét run, mệt mỏi, đau đầu… hoặc trẻ có mắc bệnh mạn tính như tim mạch, hô hấp, thận, thần kinh, trẻ có tiền sử co giật do sốt, động kinh… thì nên uống thuốc hạ sốt khi có sốt từ 38,3*C trở lên. Đồng thời phải theo dõi sát tốc độ tăng nhiệt độ, bởi việc tăng nhiệt độ nhanh dễ gây co giật hơn là sốt cao nhưng tốc độ tăng chậm. Trường hợp gia đình không chắc chắn, không có kinh nghiệm, cũng nên sử dụng thuốc hạ sốt ngay khi nhiệt độ 38,3°C trở lên.

Đọc thêm: Chăm sóc trẻ viêm phế quản tại nhà sao cho đúng?

Các loại thuốc hạ sốt cho trẻ em

Mục đích của việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt là nhằm hạ nhiệt độ khoảng 1 – 2*C để trẻ bớt khó chịu, chứ không phải để hạ nhiệt độ về thân nhiệt bình thường.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau, thậm chí có cả hàng xách tay từ Anh, Pháp, Mỹ,… mà không qua kiểm duyệt của Bộ Y tế. Do đó, để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên lựa chọn những loại thuốc hạ sốt sau để sử dụng cho trẻ.

Thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt Paracetamol và Ibuprofen

Nhìn chung, Paracetamol và Ibuprofen đều là những loại thuốc hạ sốt, giảm đau an toàn cho trẻ nhỏ. Ibuprofen được dùng nhiều hơn ở Châu Âu – nơi không có dịch bệnh sốt xuất huyết. 

Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, nguy cơ sốt xuất huyết luôn tiềm tàng. Do đó, khi chưa biết nguyên nhân sốt là gì, cha mẹ nên lựa chọn thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ. Trên thị trường có nhiều tên biệt dược như Efferalgan, Hapacol, Tylenol…

KHÔNG dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ dưới 18 tuổi, trừ khi bác sĩ kê đơn.

Loại thuốc này có thể gây ra một căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng được gọi là Hội chứng Reyes.

 

Hướng dẫn sử dụng Paracetamol an toàn cho trẻ 

Liều lượng và tần suất sử dụng thuốc Paracetamol

Paracetamol có các dạng thuốc khác nhau như dạng siro, bột hòa tan, viên đạn (đặt hậu môn). Mỗi dạng dùng có khuyến cáo về liều lượng khác nhau mà cha mẹ cần lưu ý để cho trẻ dùng đúng và đủ. 

Siro 

Liều lượng Tần suất Cách dùng
Theo vạch chia theo kg cân nặng trên ống tiêm hoặc thìa nhựa đi kèm với thuốc. 4 – 6 giờ/ liều. Tối đa 4 liều trong 24 giờ

– Lắc đều chai trong khoảng 10 giây và đong một lượng thuốc phù hợp bằng cách sử dụng ống tiêm hoặc thìa nhựa đi kèm.
– Không sử dụng các loại thìa thông thường vì nó sẽ không đúng liều lượng.
– Thường có tác dụng hạ sốt sau khi uống thuốc 10-20 phút.

Bột pha nước

Liều lượng Tần suất Cách dùng
10 – 15mg/kg cân nặng/ liều 4-  6 giờ/ liều. Tối đa 4 liều trong 24 giờ – Paracetamol có thể dùng pha lẫn với nước, sữa hoặc nước hoa quả. Chờ khi thuốc được hòa tan hoàn toàn, cha mẹ hãy cho trẻ uống ngay lập tức.
– Thường có tác dụng hạ sốt sau khi uống thuốc 10-20 phút.

Viên đạn đặt hậu môn

Liều lượng Tần suất Cách dùng
10 – 20mg/kg cân nặng/ liều 4 – 6 giờ/ liều. Tối đa 4 liều trong 24 giờ. – Rửa tay sạch trước và sau khi đặt thuốc cho trẻ.– Đặt trẻ nằm nghiêng một bên gập gối vào bụng.
– Đưa đầu nhọn của viên thuốc đạn vào trong hậu môn của trẻ. Sau đó khép và giữ 2 nếp mông trẻ trong khoảng 2-3 phút, giữ trẻ nằm yên trong vòng 10 phút để tránh viên thuốc không rơi ra ngoài.
– Thường có tác dụng hạ sốt sau khi uống thuốc 15-30 phút.

Đối với trẻ em 13 tuổi trở lên, có thể sử dụng Paracetamol đường uống với liều lượng 325-650mg/ liều mỗi 4 – 6 giờ. Tối đa 4 liều trong 24 giờ.

Cách sử dụng Paracetamol sau khi tiêm phòng ở trẻ nhỏ

Theo NHS – Tổ chức dịch vụ y tế quốc gia Anh, trẻ sơ sinh từ 6 tháng trở lên được chủng ngừa viêm não mô cầu do tuýp B và tuýp C có khả năng sốt trong vòng 24 giờ sau tiêm. Do đó, cha mẹ có thể cho trẻ uống 3 liều paracetamol nếu cần thiết. Mỗi liều cách nhau từ 4 – 6 giờ với liều lượng được khuyến cáo là 2,5ml siro hoặc viên đạn 60mg.

Nếu trẻ sinh non hoặc còn nhỏ so với tuổi của chúng, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ hoặc nhân viên y tế trước khi cho trẻ dùng paracetamol.

Kết hợp Paracetamol với các loại thuốc khác

Paracetamol là một thành phần có trong rất nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc ho và cảm lạnh. Do đó, cha mẹ cần kiểm tra thành phần cẩn thận trước khi cho trẻ uống thuốc. 

Không cho trẻ dùng thuốc hạ sốt Paracetamol cùng một loại thuốc khác cũng chứa paracetamol trong đó. Nếu uống 2 loại thuốc khác nhau có chứa paracetamol, sẽ có nguy cơ quá liều gây nguy hiểm cho trẻ.

Xử trí khi chẳng may uống quá liều

Nếu chẳng may cho trẻ uống quá 1 liều Paracetamol, hãy tạm dừng thuốc ít nhất 24 giờ trước khi cho trẻ uống liều tiếp theo.

Khi quá liều Paracetamol, trẻ có thể có các biểu hiện như bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc nghiêm trọng hơn thế. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị càng sớm càng tốt.

Tác dụng phụ có thể gặp ở trẻ em

Paracetamol hiếm khi gây ra tác dụng phụ nếu bạn dùng đúng liều lượng. Một số trường hợp hiếm hoi có thể xảy ra dị ứng với các biểu hiện sau:

  • Xuất hiện phát ban trên da, có thể ngứa, đỏ, sưng, phồng rộp hoặc bong tróc da
  • Trẻ có dấu hiệu thở khò khè, khó thở hoặc khó nói chuyện
  • Mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng sưng tấy

Nếu trẻ có những biểu hiện như trên sau khi dùng Paracetamol, cha mẹ cần đưa trẻ đi KHÁM NGAY.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Trẻ nên được đưa đi khám ngay trong các trường hợp sau:

  • Trẻ bị sốt với bất kỳ nhiệt độ, lứa tuổi nào mà gia đình không có kỹ năng đánh giá và chăm sóc trẻ.
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trực tràng từ 38*C trở lên, bất kể tình trạng trẻ như thế nào (kể cả không ho, không nôn, bú tốt…)
  • Trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi có nhiệt độ trực tràng từ 38 – 38,9*C kéo dài hơn 3 ngày hoặc dưới 3 ngày nhưng trẻ mệt.
  • Trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng đến 3 tuổi có nhiệt độ trực tràng từ 38,9*C trở lên.
  • Trẻ em ở mọi lứa tuổi có nhiệt độ được đo ở bất kỳ vị trí nào từ 40*C trở lên.
  • Trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào bị sốt mà có co giật.
  • Trẻ ở mọi lứa tuổi bị sốt lại trong vòng 7 ngày, ngay cả khi sốt lại chỉ kéo dài vài giờ.
  • Trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào bị sốt mà có bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, lupus, bệnh thận, thần kinh…
  • Trẻ bị sốt kèm theo phát ban, đặc biệt là ban xuất hiện khi đang sốt.

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *