Thuốc ho và cảm lạnh có thực sự hiệu quả hay không? Câu trả lời có thể khiến hầu hết cha mẹ ngỡ ngàng, tuy nhiên trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu so sánh nhóm sử dụng thuốc giảm ho với nhóm không dùng bất kỳ loại thuốc nào, kết quả là thời gian bị ho cảm của cả hai nhóm là như nhau.
Bác sĩ nhi khoa Dennis Kuo tại Đại học Y khoa Johns Hopkins cho biết: “Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị cảm lạnh đều bắt đầu cảm thấy tốt hơn trong vòng chưa đầy 5 ngày mà không cần dùng thuốc.” Hơn nữa, thuốc ho và cảm lạnh còn có thể gây ra những tác dụng phụ tiêu cực đối với trẻ em dưới 4 tuổi, theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP).
Vậy lý do tại sao những loại thuốc này không an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ? Thay vì dùng thuốc, cha mẹ có thể làm gì để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn khi bị ốm? Mời cha mẹ theo dõi bài viết dưới đây.
MỤC LỤC
Thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn là gì?
Thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn (OTC) thường thuộc một trong bốn nhóm thuốc sau:
- Thuốc thông mũi được sử dụng để làm giảm nghẹt mũi nhưng chúng có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng nhịp tim, bồn chồn, nôn mửa và run rẩy.
- Thuốc kháng histamine (anti-histamine) dùng để giảm triệu chứng dị ứng (sổ mũi do dị ứng hay viêm mũi dị ứng, nổi mẩn ngứa hay mề đay do dị ứng). Các thuốc kháng histamine không có tác dụng trong trường làm giảm ho hay sổ mũi do cảm siêu vi (virus). Trong trường hợp bị ho, sổ mũi do cảm siêu vi, nếu sử dụng thuốc kháng histamine có thể làm tăng nguy cơ bị suy hô hấp hay viêm phổi. Bởi thay vì làm loãng đờm ra để trẻ ho tống ra ngoài thì thuốc (có tác dụng phụ) làm đặc đờm lại và tắc đờm trong phổi khiến trẻ không thể tống đờm ra. Thuốc chlorpheniramine không sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi bởi có thể làm trẻ nhỏ bứt rứt một cách nghịch lý.
- Thuốc giảm ho có thể gây ra các tác dụng phụ là buồn ngủ quá mức hoặc bồn chồn, chóng mặt và nôn mửa.
- Thuốc long đờm là loại thuốc làm loãng chất nhầy, dễ dàng tống đờm ra ngoài khi ho. Mặc dù các tác dụng phụ của nhóm thuốc này hiếm gặp hơn nhưng trẻ có thể cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau đầu sau khi uống thuốc.
Đọc thêm: Cảm lạnh ở trẻ em
Tại sao thuốc ho không an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành lệnh cấm không cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc trị ho và nghẹt mũi bởi có một số báo cáo cho thấy, có khoảng ba trẻ bị tử vong do uống thuốc trị nghẹt mũi. Đồng thời báo cáo không thấy có lợi ích từ việc cho trẻ uống thuốc ho, ngược lại một vài trường hợp có hại.
Mỗi đứa trẻ sẽ chuyển hóa thuốc khác nhau, vì vậy ngay cả khi bạn cho trẻ uống đúng liều lượng phù hợp với cân nặng của chúng, nó vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm. Chúng bao gồm khó chịu, buồn nôn và nôn, tim đập nhanh, huyết áp cao và thậm chí co giật.
Hơn nữa, vì những loại thuốc này có thể chứa các thành phần trùng lặp nên con bạn có thể vô tình dùng quá liều khi dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc ngay cả khi cha mẹ làm theo hướng dẫn dùng thuốc chính xác cho từng loại. Bởi các sản phẩm ho và cảm không kê đơn thường cũng chứa các thành phần như acetaminophen hoặc ibuprofen.
Vậy thuốc ho và cảm lạnh có an toàn cho trẻ lớn hay không? Mặc dù trẻ lớn hơn có thể gặp tác dụng phụ ít hơn nhưng một số chuyên gia cho rằng không nên cho trẻ dùng thuốc do thiếu bằng chứng cho thấy chúng thực sự giúp cải thiện triệu chứng ho, cảm, sổ mũi do siêu vi. Nếu cha mẹ quyết định cho con dùng thuốc, hãy đọc kỹ nhãn thuốc để đảm bảo rằng con bạn không bị quá liều acetaminophen hoặc ibuprofen.
Cũng theo các chuyên gia nhi khoa, phương pháp chờ đợi và cho trẻ uống nhiều nước, dùng nước muối và máy tạo độ ẩm vào ban đêm là những cách thức giúp giảm ho an toàn và hiệu quả nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Các biện pháp chữa ho an toàn cho trẻ tại nhà
Đọc đến đây hẳn cha mẹ đã đỡ lo lắng, nhưng tâm lý vẫn bứt rứt khi thấy trẻ ho và muốn thử bất cứ điều gì để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn. Mình cũng đã từng trải qua những đêm bế em ốm ngủ trên vai thay phiên với mẹ. Nhưng trên tất cả, việc sử dụng các loại thuốc ho, cảm cho trẻ có hại nhiều hơn có lợi. Thay vào đó, cha mẹ có thể áp dụng những cách thức sau đây để giúp giảm khó chịu cho trẻ:
Rửa mũi giảm nghẹt với nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý sẽ giúp chất nhầy loãng ra và dễ chảy ra hơn. Sau khi dịch mũi được làm loãng, cha mẹ có thể dùng tăm bông ngoáy lấy dịch ra nếu là trẻ sơ sinh, hoặc yêu cầu trẻ xì ra nếu trẻ đã lớn.
Hãy để trẻ ngồi, đầu hơi cúi về phía trước, rồi dùng nước muối sinh lý xịt vào mũi của bé, hoặc có thể để trẻ nằm nghiêng rồi xịt vào một bên mũi để nước chảy qua mũi bên kia.
Cha mẹ có thể rửa mũi cho con tối đa 4 lần/ngày và đặc biệt là trước khi đi ngủ – có thể làm giảm nghẹt và giúp trẻ ngủ ngon hơn. Nếu bé đang bú mẹ hoặc bú bình, mẹ hãy rửa mũi cho con trước khi cho bú. Bởi trẻ sơ sinh thở bằng mũi trong khi ăn, vì vậy điều này sẽ giúp con bú dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng lưu ý không nên dùng nước ấm nhỏ thêm tinh dầu để xông mũi cho trẻ vì có thể gây sưng niêm mạc mũi, khiến cho việc thở của trẻ khó khăn hơn.
Cho trẻ uống nhiều nước
Nước làm ẩm cổ họng, loãng chất đờm nhầy giúp đường thở thông thoáng, trẻ dễ tống đờm ra ngoài. Thêm vào đó, trẻ bị cảm lạnh có thể bị sốt, cơ thể dễ mất nước, vì vậy điều quan trọng và cần thiết mà cha mẹ cần làm là bù nước cho trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, mẹ nên cho con bú thường xuyên hơn, mỗi giờ một cữ. Đối với trẻ lớn hơn, có thể cho con uống nước hoa quả, sữa, nước ấm, nước canh… bất cứ thứ gì con thích. Một lưu ý nhỏ ít người biết, nước cam, chanh có nhiều vitamin C, tốt cho sức đề kháng, nhưng cũng có nồng độ axit cao, có thể kích thích họng, khiến trẻ rát họng và ho nhiều hơn.
Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí
Máy phun sương tạo độ ẩm không khí giúp làm loãng dịch nhầy, dịu cổ họng và giảm cơn ho, rất có ích cho các bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, cha mẹ tránh sử dụng máy tạo ẩm nước nóng bởi có nguy cơ gây bỏng cho trẻ nhỏ khi chẳng may lật đổ.
Hạ sốt
Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh. Tuy nhiên, nếu cơn sốt khiến con quá khó chịu thì cha mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt. Một số loại thuốc hạ sốt có thể dùng là Paracetamol (Efferalgan, Hapacol, Tylenol…), Ibuprofen (Sotstop, Profen, Brufen…). Lưu ý không nên sử dụng thuốc hạ sốt ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc nào.
Đọc thêm: Hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách ở trẻ nhỏ.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu trẻ vẫn chơi đùa và linh hoạt (có thể kém ngày thường một chút), vẫn có thể uống nước/sữa, vẫn có thể ăn được thì cha mẹ có thể cân nhắc theo dõi ở nhà vài ngày mà không cần đưa trẻ đi khám.
Đối với những trường hợp dưới đây, cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám ngay:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi có tình trạng sốt thì phải đưa đi khám ngay để bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh.
- Trẻ từ 3 tháng đến 4 tuổi mà sốt kéo dài hơn 3 ngày (dù tổng trạng vẫn bình thường) thì cũng nên đi khám.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên báo với bác sĩ nếu nhận thấy con có một trong những biểu hiện sau:
- Trẻ bị mất nước, khô miệng hoặc khóc ít hoặc không có nước mắt.
- Các triệu chứng cảm lạnh không cải thiện sau 5 ngày (Điều này cho thấy có thể trẻ bị viêm phế quản, nhiễm trùng xoang hoặc thậm chí là viêm phổi chứ không phải cảm lạnh thông thường).
- Con rất quấy và mệt mỏi, lừ đừ dù không sốt.
- Con thở mệt, thở nhanh hoặc đau tai.
- Trẻ không chịu uống nước, đây là có thể là một dấu hiệu cho thấy con đang khó thở.
Đọc thêm: Chăm sóc trẻ viêm phế quản tại nhà sao cho đúng?
Như vậy, có thể thấy thuốc không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất cho trẻ khi ốm. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn có thể vững tâm hơn trên hành trình chăm con nhỏ, gạt thuốc sang một bên để lựa chọn các phương thức giảm ho cảm tự nhiên an toàn và hiệu quả cho con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần theo dõi kỹ diễn tiến của bệnh để có thể kịp thời đưa trẻ đi khám khi có những dấu hiệu đáng ngờ.